Nội dung
Với việc các thông tư, nghị định mới về thủ tục, giấy phép và quy trình đã được thay đổi thì nếu không muốn mất nhiều thời gian và công sức khi lập công ty thì bạn cần tìm hiểu về những chính sách mới nhất. Để thuận lợi nhất cho mọi người trong việc chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, TPos sẽ giải đáp mọi thắc mắc về các bước thành lập công ty theo quy định hiện hành.
Một số điều kiện thành lập doanh nghiệp theo đúng quy định
Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp
Để có quyền mở công ty thì các cá nhân phải thỏa các điều kiện theo quy định của pháp luật. Những cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp trừ một số trường hợp được nhắc tới tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 như:
Các cán bộ, công chức, viên chức;
Cơ quan nhà nước hay đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản của Nhà nước với mục đích thu lợi riêng;
Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
Các cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ một số người có nhiệm vụ làm người đại diện uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại các công ty khác;
Những người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chấp hành hình phạt tù, bị xử phạt tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; hoặc theo quyết định của Toà án đang bị cấm hành nghề kinh doanh;
Những người giữ chức vụ quản lý bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm những quy định liên quan sẽ bị cấm thành lập trong thời hạn 3 năm;
Người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh (điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018);
Các điều kiện về ngành nghề, lĩnh vực đăng ký kinh doanh
Chỉ được kinh doanh những ngành nghề không bị pháp luật cấm. Chẳng hạn như không hoạt động trong các lĩnh vực gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường.
Một số lĩnh vực nếu muốn tham gia đầu tư phải đáp ứng được những yêu cầu, điều kiện thành lập doanh nghiệp riêng. Ví dụ như: giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.
Điều kiện về tên doanh nghiệp
Một số quy định về cách đặt tên bạn cần lưu ý:
Phải được viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu
Tên công ty sẽ bao gồm 2 thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Ví dụ: Công ty cổ phần công nghệ Trường Minh Thịnh.
Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.
Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký.
Mẹo: bạn nên chuẩn bị một vài cái tên dự phòng để khi đi đăng ký bị trùng hoặc không được chấp nhận thì vẫn có phương án thay thế.
Quy định về trụ sở chính
Trụ sở sẽ là nơi liên lạc, trao đổi thông tin chính thức của doanh nghiệp. Quy định về địa chỉ là phải xác định được số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Nếu nơi bạn đặt trụ sở chưa có số nhà hoặc tên đường thì phải làm công văn có xác nhận từ địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường nộp kèm hồ sơ khi đăng ký kinh doanh.
Điều kiện về giấy tờ, hồ sơ đăng ký
Có đầy đủ các giấy tờ theo quy định.
Nội dung được kê khai đầy đủ.
Thông tin phải trung thực, chính xác. Người thành lập phải chịu trách nhiệm về những nội dung kê khai trong giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp.
Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có thành phần hồ sơ thành lập doanh nghiệp, mẫu đăng ký khác nhau, bạn cần để ý tránh nhầm lẫn.
Quy định về việc nộp lệ phí
Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp, bạn cần phải chuẩn bị tiền tại thời điểm nộp hồ sơ.
Có 2 hình thức là nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc chuyển khoản.
Nếu chưa được phê duyệt thì lệ phí cũng không được hoàn trả.
Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) là 50.000 đồng/lần từ ngày 20/9/2019.
Đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu?
Theo bộ Luật Doanh Nghiệp 2014, khi muốn đăng ký kinh doanh, bạn cần nộp hồ sơ tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét và cấp giấy chứng nhận. Các tổ chức này trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Những cơ quan có thẩm quyền chỉ được thành lập ở cấp huyện và cấp tỉnh. Thông thường sẽ có 3 cách chính để nộp giấy đề nghị thành lập công ty:
Liên hệ với Phòng Đăng ký kinh doanh ở nơi mà bạn đặt trụ sở chính.
Đăng ký thành lập online thông qua trang chủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Sử dụng dịch vụ của các văn phòng luật sư khi bạn không có đủ thời gian để trực tiếp thực hiện.
Sau khi hoàn tất thủ tục thì bạn sẽ phải chờ đợi xét duyệt và đến nhận giấy chứng nhận khi có thông báo.
Quy trình và thủ tục thành lập công ty - Các bước thành lập công ty
Bước 1: Chọn loại hình doanh nghiệp
Hiện nay có rất nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, bạn phải hiểu được những đặc điểm nổi bật của chúng, sau đó đưa ra lựa chọn phù hợp với khả năng cũng như nguồn lực hiện tại.Một số hình thức doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam hiện nay có thể kể đến như:
Doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp tư nhân
Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH 1 thành viên và TNHH 2 thành viên trở lên)
Công ty 100% vốn nước ngoài
Công ty hợp danh
Hợp tác xã kinh doanh
Kinh doanh hộ gia đình
…
>> Để hiểu rõ hơn về các hình thức của doanh nghiệp, hãy tham khảo thêm các kiến thức kinh doanh hữu ích này!
Sau khi đã chọn được một loại hình phù hợp, tiếp đến là chuẩn bị những thông tin cá nhân:
Chứng minh nhân dân/căn cước công dân (CMND/CCCD), bản gốc phải còn thời hạn sử dụng và bản sao công chứng không được quá 3 tháng.
Đặt tên công ty. Cố gắng đặt một cái tên có ý nghĩa, dễ nhớ để khách hàng, đối tác có thể nhớ đến bạn. Cần tránh những cái tên quá dài, hoặc mang ý nghĩa tiêu cực sẽ khiến bạn khó phát triển trong tương lai.
Chọn địa chỉ làm trụ sở. Cái này sẽ tùy thuộc vào mô hình kinh doanh mà bạn hướng tới. Nếu là một doanh nghiệp sản xuất, một địa điểm trong khu công nghiệp, hay ở những nơi xa trung tâm một xíu sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí. Địa chỉ khi ghi vào trong giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp phải chi tiết cụ thể, có số rõ ràng.
Đặt vốn điều lệ. Theo Luật Doanh nghiệp, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết sẽ góp đầy đủ khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; hoặc là tổng giá trị cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua đối với công ty cổ phần. Nếu sau một khoảng thời gian mà các cổ đông chưa thanh toán đủ những gì đã cam kết thì công ty phải điều chỉnh lại cho bằng giá trị thực góp.
Chọn chức danh cho người đại diện. Những người này có vai trò đại diện để ký kết các hợp đồng, giấy tờ để bảo đảm tính pháp lý và nếu có vấn đề phát sinh sẽ được bảo vệ theo pháp luật. Khi người đại diện thay đổi sẽ dẫn đến hàng hoạt các vấn đề liên quan khác được điều chỉnh. Một số chức danh có thể trở thành người đứng đại diện theo pháp luật bao gồm: giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên,...
Lựa chọn ngành nghề kinh doanh. Trước khi thực hiện các bước thành lập công ty, bạn cần xác định lĩnh vực bạn chuẩn bị đăng ký thuộc nhóm ngành nghề nào, có bị cấm hoạt động hoặc cần điều kiện gì cần phải bổ sung hay không để có thể chuẩn bị đầy đủ, tránh mấy thời gian.
Bước 2: Bắt đầu thành lập công ty
Chuẩn bị những giấy tờ, hồ sơ thành lập doanh nghiệp cần thiết. Nhớ đừng thiếu thứ gì nhé:
Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp
Danh sách cổ đông, thành viên sáng lập doanh nghiệp
Dự thảo các điều lệ công ty
Giấy tờ cá nhân của người đại diện theo pháp luật của công ty
Văn bản xác nhận vốn pháp định
Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, yêu cầu cần giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì bạn cần chuẩn bị bản sao hợp lệ các chứng chỉ hành nghề, CMND/CCCD của người sở hữu chứng chỉ.
Sau khi đã có các hồ sơ cần thiết, bạn bắt đầu đến nộp tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Nếu là trường hợp ủy quyền đi nộp thì bắt buộc phải có giấy ủy quyền của người có quyền hạn. Ngoài ra, với những trường hợp muốn tiết kiệm thời gian thì có thể đăng ký qua mạng thông qua website chính thức của sở kế hoạch đầu tư: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn. Sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu thoả các quy định hiện hành thì sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Tiến hành làm con dấu pháp nhân
Đây là một trong các bước thành lập công ty bạn cần hết sức lưu ý. Doanh nghiệp mang bản sao của giấy phép đăng ký kinh doanh đến cơ sở có chức năng khắc dấu để tiến hành thủ tục làm dấu pháp nhân cho công ty. Sau khi hoàn thành, các cơ sở này sẽ chuyển con dấu đến cho cơ quan công an tỉnh, thành phố để kiểm tra lại đăng ký, xác nhận. Lúc đó, bạn sẽ cầm theo giấy chứng nhận bản gốc và xuất trình CMND/CCCD để nhận con dấu pháp nhân.
Bước 4: Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong vòng 30 ngày bạn sẽ tiến hành nộp hồ sơ trên Cổng thông tin quốc gia để công bố thông tin doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Nội dung sẽ bao gồm:
- Ngành, nghề kinh doanh.
- Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư.
Bước 5: Các thủ tục sau khi thành lập công ty
Tiến hành khai thuế ban đầu. Đối với doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất ngay khi nhận được giấy phép thì thời hạn sẽ là ngày cuối cùng của tháng, còn nếu bạn chưa đi vào hoạt động thì sẽ tính 30 ngày tính từ ngày ghi trên giấy phép kinh doanh.
Bạn có thể tiến hành đăng ký kê khai thuế qua mạng.
Nộp tờ khai liên quan và thuế môn bài.
Nộp thông báo áp dụng cách tính thuế GTGT.
Tiến hành đặt in hoá đơn.
Treo mẫu hóa đơn liên 2 tại trụ sở doanh nghiệp.
Với một số lĩnh vực thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì tiếp tục chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết để hoàn thành các bước thành lập công ty.
Lệ phí khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu?
Sau đây là một số khoản phí bạn cần biết để có thể chuẩn bị đầy đủ:
Số tiền: MIỄN PHÍ đối với các trường hợp:
Đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc thay đổi nội dung mà gửi hồ sơ online thông qua ứng dụng trên Cổng thông tin quốc gia về việc đăng ký công ty.
Cấp mới hoặc thay đổi nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh hay văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh mà gửi hồ sơ thành lập doanh nghiệp online thông qua ứng dụng trên Cổng thông tin quốc gia về việc đăng ký công ty.
Số tiền: 100.000 đồng/lần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi các nội dung trong đơn đăng ký, cấp lại giấy chứng nhận mà nộp hồ sơ trực tiếp tài phòng đăng ký kinh doanh.
Số tiền: 50.000 đồng/hồ sơ đối với các yêu cầu cấp lại, thay mới, sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp mà nộp hồ sơ trực tiếp tài phòng đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra còn một số khoản thu phụ khác như:
Mức phí: 20.000 đồng/bản để cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Mức phí: 40.000 đồng/bản để cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; cung cấp báo cáo tài chính các loại doanh nghiệp.
Mức phí: 150.000 đồng/báo cáo để cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp.
Mức phí: 300.000 đồng/lần để công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Mức phí: 4.500.000 đồng/tháng để công bố thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên.
Một số lĩnh vực cần đặc biệt lưu ý khi kinh doanh
Nếu dự định bước chân vào một trong những ngành nghề sau đây, bạn cần phải có thêm được các giấy phép do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực có liên quan cấp, chẳng hạn như:
Ngân hàng, tổ chức tín dụng: được cấp giấy phép hoạt động bởi ngân hàng nhà nước.
Chứng khoán: các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán cần được uỷ ban chứng khoán nhà nước cấp giấy phép cho thành lập và hoạt động.
Bảo hiểm: lúc này Bộ tài chính sẽ cấp giấy phép cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được thành lập và hoạt động.
Pháp lý: tổ chức hành nghề luật sư cần xin giấy đăng ký hoạt động của Sở tư pháp.
Công chứng: văn phòng công chứng xin cấp giấy phép từ Sở tư pháp.
Dầu khí: Bộ công thương sẽ là đơn vị cấp giấy phép kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu.
Hàng không dân dụng: giấy phép hoạt động cảng hàng không sẽ được Bộ giao thông vận tải cấp.
Báo chí: Bộ thông tin và truyền thông cấp phép hoạt động báo chí in, đối với xuất bản đặc san và phụ trương do Cục báo chí cấp.
Xuất bản: khi thành lập nhà xuất bản thì cần được duyệt từ Bộ thông tin và truyền thông.
>> Tra cứu thêm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới nhất!
Hy vọng qua chủ đề “Các bước thành lập công ty - Quy trình và thủ tục theo quy định pháp luật” bạn đọc đã biết bản thân cần phải chuẩn bị những gì khi muốn đầu tư kinh doanh. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào thì đừng ngần ngại để lại câu hỏi, TPos sẽ giải đáp miễn phí. Chúc bạn thành công!