Nội dung
- 1. Tại sao cần phải đăng ký website với Bộ Công Thương?
- 2. Một số lưu ý khi trong quá trình đăng ký, thông báo website với Bộ Công Thương năm 2022
- 3. Hướng dẫn đăng ký website với Bộ Công Thương theo quy định 2020
- 4. Năm 2022, những website nào cần phải thông báo, đăng ký với Bộ Công thương?
- 5. Một số lĩnh vực không được phép hoạt động và đăng ký Bộ Công Thương cho website
Rất nhiều nhà bán hàng khi tạo xong một trang web bán hàng nhưng lại không thực hiện việc đăng ký website với Bộ Công Thương vì không biết quy trình và thủ tục 2022 như thế nào. Điều này khiến không ít người đã bị xử phạt theo quy định pháp luật. Để tránh rơi vào tình trạng như trên thì sau đây TPos sẽ hướng dẫn cách đăng ký web với Bộ Công Thương chi tiết nhất theo luật 2022 để bạn đọc có thể hiểu và áp dụng thành công.
Tại sao cần phải đăng ký website với Bộ Công Thương?
Tuân thủ quy định, tránh bị xử phạt
Dựa theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP được ban hành ngày 16/05/2013, thông tư số 47/2014/TT-BCT ban hàng ngày 05/12/2014 và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại ban hành ngày 15/11/2013, thì các hình thức sau đây bắt buộc phải thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương:
Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ.
Website cho phép người tham gia có thể xây dựng các website nhanh để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ.
Website có chuyên mục mua bán, người tham gia có thể đăng tin mua bán sản phẩm, dịch vụ.
Ứng dụng di động bán hàng được thiết lập bởi các cá nhân với mục đích xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.
Ứng dụng di động cung cấp môi trường cho các cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động thương mại, chẳng hạn như sàn giao dịch, ứng dụng đấu giá,...
Nguồn: http://moit.gov.vn
Vậy, nếu bạn đang hoạt động với các hình thức vừa nêu trên thì cần ngay lập tức khai báo website với bộ công thương để tránh bị xử phạt theo quy định.
Tạo niềm tin với khách hàng
Sau khi thông báo, đăng ký thành công, các website sẽ được cung cấp logo liên kết với đường dẫn xác nhận trên trang chủ của Bộ Công Thương. Việc này sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng hơn, vì khi mua sắm online, khách hàng có tâm lý lo sợ gặp các công ty ma, mua phải các sản phẩm kém chất lượng. Có logo chứng nhận trên trang bán hàng sẽ giúp người mua tin tưởng và yên tâm hơn khi đưa ra quyết định mua hàng.
Tuy nhiên, có những người lợi dụng yếu tố này để đánh lừa khách hàng. Họ không thật sự thông báo hoặc đăng ký website với Bộ Công Thương mà chỉ lấy logo để che mắt. Để có thể kiểm tra đó có phải logo thật hay không thì hãy nhấp vào biểu tượng, nếu nó chuyển đến trang của Bộ Công Thương thì doanh nghiệp đã đăng ký, ngược lại thì nó hoàn toàn vô giá trị.
Khẳng định thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp
Khi các sản phẩm của bạn đều hợp pháp và được phép phân phối và quảng bá trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Doanh nghiệp đã tuân thủ các quy định hiện hành vì vậy sẽ được bảo hộ theo luật pháp. Khẳng định quyền sở hữu của doanh nghiệp cũng chính là cách tốt nhất tránh bị đối thủ cạnh tranh chơi xấu, gây thiệt hại đến thương hiệu.
Được bảo vệ theo pháp luật
Khi đã đăng ký Bộ Công Thương cho website thành công thì tức là bạn đã được hoạt động một cách hợp pháp tại Việt Nam. Lúc này, mọi hoạt động đều được công khai và minh bạch, hợp pháp hóa mọi giao dịch. Chính vì vậy, bạn sẽ nhận được những quyền lợi riêng và được bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Một số lưu ý khi trong quá trình đăng ký, thông báo website với Bộ Công Thương năm 2022
Khi nào cần phải tiến hành thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương?
Thông báo: Ngay khi website được thiết kế xong, và chuẩn bị đi vào hoạt động thì bạn cần nhanh chóng thực hiện quy trình này để tránh bị phát hiện và xử phạt theo quy định.
Đăng ký: Đối với những trang web đăng ký bán hàng thì chủ website nên hoàn thành thủ tục đăng ký trước khi bắt đầu hoạt động trao đổi hàng hoá, nếu không khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt nặng.
Mất bao lâu để nhận được kết quả xét duyệt?
Kết quả nhận được còn phụ thuộc vào từng website, thời gian thông thường sẽ từ 1 cho đến 3 tuần làm việc. Để tránh quy trình đăng ký website với Bộ Công Thương bị kéo dài thời gian thì hãy cung cấp các thông tin đầy đủ và chính xác.
Chi phí để thông báo, đăng ký là bao nhiêu?
Hiện tại thì bạn không cần trả bất kỳ chi phí nào cho việc này, hoàn toàn miễn phí.
Đến đâu để thực hiện việc đăng ký này?
Bạn có thể thực hiện các thủ tục thông báo qua website online.gov.vn và thực hiện đăng ký theo hướng dẫn trên đó, hoặc nếu nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp về Cục TMĐT và CNTT – Bộ Công Thương tại địa chỉ 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội để được xác nhận.
Điều kiện để thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương là gì?
Nếu muốn hồ sơ được duyệt, trang web của bạn cần có:
Chủ sở hữu wbsite/ứng dụng phải là thương nhân hoặc tổ chức kinh doanh những ngành nghề hợp pháp.
Có đầy đủ thông tin về chủ sở hữu website/ứng dụng và các thương nhân khác tham gia bán hàng trên nền tảng này theo đúng quy định hiện hành.
Có đầy đủ tính năng của một trang web/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Không đăng ký tên miền với Bộ Công Thương thì bị xử phạt như thế nào?
Nếu nằm trong danh sách website cần đăng ký tên miền với Bộ Công Thương mà lại không thực hiện thì trang web của bạn sẽ bị xử lý theo quy định. Căn cứ vào Nghị định 98/2020/NĐ-CP có quy định xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với cơ quản có thẩm quyền.
Nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm sẽ áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 - 12 tháng.
Cần chuẩn bị những gì trước khi thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương?
Giấy tờ, thủ tục 2022
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư
Quyết định thành lập doanh nghiệp (đối với tổ chức)
Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể (đối với cá nhân)
Và một số giấy tờ khác tuỳ theo từng lĩnh vực cụ thể (một số lĩnh vực thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện)
Thông tin website
Nhà bán hàng cần cung cấp thêm thông tin tại một vị trí bất kỳ ở chân trang, bao gồm Mã số thuế, số điện thoại, địa chỉ.
Các trang chính sách
Nhà bán hàng cần có:
Hướng dẫn mua hàng
Hình thức thanh toán
Chính sách giao hàng
Bảo hành, đổi trả
Bảo mật thông tin
...
Hướng dẫn đăng ký website với Bộ Công Thương theo quy định 2020
Bước 1: Đăng ký tài khoản
Truy cập vào website Bộ Công Thương http://online.gov.vn/
Click vào nút “Đăng ký” để tiến hành đăng ký tài khoản
Điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu
Đăng ký mở tài khoản, chọn đối tượng “Thương nhân” (không chọn Tổ chức vì chỉ dành cho các đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước không có mã số thuế)
Nhập các thông tin theo mẫu có sẵn: tên công ty, mã số thuế, lĩnh vực đăng ký kinh doanh, địa chỉ ….
Thông tin người đại diện pháp luật: nhập đầy đủ thông tin họ tên, ngày sinh, địa chỉ liên lạc, điện thoại, chức vụ…. những ô có dấu * bạn bắt buộc phải điền đầy đủ.
Bạn không cần điền tài khoản vì nó được lấy mặc định theo MST của doanh nghiệp.
Nhập mật khẩu (nhớ lưu lại để sau có thể đăng nhập)
Email (chọn địa chỉ email bạn thường xuyên sử dụng để có thể nhận được thông báo kịp thời nhất)
Click nút “Đăng ký” để hoàn thành
Bước 2: Xác nhận tài khoản
Sau khi điền form thì nhà bán hàng sẽ nhận được một email từ Bộ Công Thương xác nhận việc đăng ký và sẽ tiến hành duyệt hồ sơ trong 3 ngày làm việc, sau đó sẽ gửi email phản hồi.
Khi đã xác nhận thông tin đầy đủ thì Bộ Công Thương sẽ cấp tài khoản để người bán đăng nhập vào hệ thống để tiến hành các bước tiếp theo.
Nếu bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung thì các cá nhân phải cung cấp lại theo đúng yêu cầu.
Nếu quá thời hạn mà vẫn chưa nhận được mail phản hồi thì nhà bán hàng liên hệ 024 222 05 512 và cung cấp thông tin để hỏi về tình trạng hồ sơ của bạn.
Bước 3: Khai báo loại hình dịch vụ
Khi đã đăng ký thành công và được cấp tài khoản, người bán sẽ tiến hành đăng nhập vào website của Bộ Công Thương.
Ở đây, sẽ có 3 mục để lựa chọn:
Thông báo website với Bộ Công Thương nếu là trang web bán hàng
Đăng ký website nếu là trang web cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Đăng ký đánh giá tín nhiệm nếu Nhà bán hàng cung cấp dịch vụ đánh giá tín nhiệm website
Tiếp tục khai báo một số thông tin:
Thông tin về người sở hữu website
Thông tin về vận chuyển và giao nhận
Thông tin về giá cả
Thông tin về hàng hóa, dịch vụ
Thông tin về điều kiện giao dịch chung
Thông tin về các phương thức thanh toán
Nhập tên miền trang web của bạn và tất cả tên miền trỏ về website nếu có. Cung cấp tên đơn vị cung cấp dịch vụ hosting.
Tiếp tục trong “File đính kèm”, chọn tải lên hình ảnh scan của:
Giấy phép đăng ký kinh doanh
Chứng minh nhân dân đối với cá nhân
Quyết định thành lập đối với cơ quan tổ chức
Click “Chọn file” để tải lên giấy phép đăng ký kinh doanh, tìm đúng file và nhấn “Upload file”.
Sau khi tải lên thành công, chọn “Gửi hồ sơ” để hoàn thành việc thông báo website bán hàng với Bộ Công Thương.
Bước 4: Xét duyệt hồ sơ
Sau khi hoàn thành thì hồ sơ sẽ ở trạng thái “Chờ duyệt”. Trong vòng 7 ngày làm việc Bộ Công Thương sẽ gửi email để thông báo kết quả. Nếu cần bổ sung thì phải chỉnh sửa lại đúng yêu cầu.
Bước 5: Thẩm định hồ sơ giấy
Đối với thủ tục thông báo website 2022, ứng dụng TMĐT bán hàng thì bỏ qua bước này. Còn các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT tiến hành quy trình đăng ký website với Bộ Công Thương thì phải gửi bộ hồ sơ (bản giấy) để hoàn chỉnh đăng ký theo quy định.
Bạn có trách nhiệm theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống được cấp để có thể tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu.
Nếu trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ lúc có thông báo sửa đổi bổ sung thông tin mà các thương nhân, tổ chức không phản hồi lại thì sẽ phải tiến hành đăng ký lại từ đầu.
Đối với các cá nhân, tổ chức “Thông báo với Bộ Công Thương” thì sẽ có logo:
Và “Đăng ký” sẽ nhận:
Khi hoàn thành và được xét duyệt thành công thì nhà bán hàng sẽ được cung cấp logo và liên kết để chèn lên website của mình. Bạn có thể nhờ bộ phận kỹ thuật để gắn lên website của doanh nghiệp như hình dưới đây.
Và khi nhấn vào biểu logo đó sẽ dẫn tới trang web “Cổng dịch vụ của Bộ Công Thương”.
Năm 2022, những website nào cần phải thông báo, đăng ký với Bộ Công thương?
Website nào phải thông báo với Bộ Công Thương?
Điển hình là các website về thương mại điện tử bán hàng do các cá nhân, tổ chức tự xây dựng với mục đích phục vụ các hoạt động xúc tiến thương mại, giao dịch hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp.
Có rất nhiều người bị nhầm lẫn rằng chỉ đi bán hàng online thì mới được xếp vào website thương mại điện tử bán hàng. Tuy nhiên là dù không giao dịch trực tuyến nhưng chỉ cần có hoạt động xúc tiến thương mại như quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, giới thiệu hình ảnh thì được cũng liệt kê vào nhóm web TMĐT bán hàng.
Theo quy định, mục 5 điều 3 nghị định 52: website TMĐT là các trang thông tin điện tử được tạo ra để phục vụ một phần hoặc có thể là toàn bộ quy trình bán hàng, từ giới thiệu sản phẩm, đến cung ứng, thanh toán và các dịch vụ sau bán hàng.
Do vậy nếu nằm trong trường hợp này thì bạn cần phải nhanh chóng làm thủ tục thông báo website với Bộ Công Thương.
Ngoài ra, các ứng dụng di động bán hàng được thiết kế để phục vụ các hoạt động xúc tiến thương mại hoặc cung ứng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức thì cũng phải tiến hành thủ tục thông báo.
Website nào phải đăng ký với Bộ Công Thương?
Đầu tiên là các trang web cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tạo môi trường cho các thương nhân, tổ chức tiến hành các hoạt động thương mại. Có 3 hình thức thường gặp là:
Sàn giao dịch TMĐT: là các trang web cho phép người dùng đăng tin mua bán, trao đổi hàng hoá (chẳng hạn như chotot.vn) hoặc cho phép tạo gian hàng online (Shopee, Lazada, Tiki,...) hay đại diện cho người dùng bán hàng và thu phí dịch vụ.
Website đấu giá trực tuyến: các trang web TMĐT cung cấp các giải pháp cho phép người dùng (không phải chủ sở hữu website) có thể tổ chức các buổi đấu giá cho sản phẩm của họ cung cấp.
Website khuyến mại trực tuyến: trên nền tảng này, trang web khuyến mãi online sẽ được sử dụng để thiết lập khuyến mãi cho hàng hoá, dịch vụ của các thương nhân, tổ chức có nhu cầu.
Ngoài những hình thức kể trên thì các ứng dụng di động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cũng cần phải đăng ký với Bộ Công thương. Các app này được tạo ra để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức tiến hành các hoạt động thương mại bao gồm ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng đấu giá trực tuyến và ứng dụng khuyến mại trực tuyến.
Một số lĩnh vực không được phép hoạt động và đăng ký Bộ Công Thương cho website
Khi đăng ký website với Bộ Công Thương, bạn cần lưu ý đến một số hành vi bị cấm không được hoạt động trong lĩnh vực TMĐT được quy định tại điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 4. Các hành vi bị cấm trong hoạt động thuơng mại điện tử
1. Vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử:
a) Tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử, trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới;
b) Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;
c) Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
d) Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký hoặc chưa được cấp phép theo các quy định của Nghị định này;
đ) Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép;
e) Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký hoặc xin cấp phép các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử.
2. Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử
a) Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử;
b) Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;
c) Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
d) Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.
3. Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử:
a) Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử;
b) Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử;
c) Can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.
4. Các vi phạm khác:
a) Đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.
Hy vọng sau những gì TPos vừa chia sẻ thì bạn đọc đã biết cách thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương trong năm 2022. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì về quy trình đăng ký website thì đừng ngần ngại để lại bình luận bên dưới để nhận tư vấn miễn phí nhé. Chúc bạn thành công!