Nội dung:
Vận dụng vòng đời sản phẩm một cách hợp lý sẽ giúp bạn gia tăng lợi nhuận nhanh nhất cho doanh nghiệp, từ đó tạo được lợi thế cạnh tranh và hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, nếu bạn chưa biết chu kỳ sống của sản phẩm là gì? Gồm bao nhiêu giai đoạn nào và cách áp dụng trong kinh doanh ra sao? Biết viết sau đây của TPos sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về thuật ngữ này, cách lên chiến lược marketing ra sao để bạn có thể hiểu và dễ dàng vận dụng.
Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?
Chu kỳ sống của sản phẩm (tiếng Anh là Product Life Cycle - PLC) là một khái niệm dùng để chỉ quá trình tồn tại và phát triển của sản phẩm. Nó mô tả tình trạng tiêu thụ và sự biến động của giá cả từ lúc xâm nhập thị trường đến khi được đưa ra khỏi kệ. Trong mỗi giai đoạn khác nhau thì sản phẩm sẽ có những đặc điểm khác nhau. Vì thế muốn kinh doanh thành công, các chủ doanh nghiệp cần vận dụng được vòng đời sản phẩm một cách hợp lý, từ đó tối ưu lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Chu kỳ sống của sản phẩm gồm mấy giai đoạn?
Các giai đoạn của Product Life Cycle - PLC
Một sản phẩm có thể tồn tại lâu hay mau còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vòng đời của một sản phẩm thông thường sẽ bao gồm các giai đoạn:
Giai đoạn 1: Triển khai, thâm nhập thị trường (Market Development)
Sau khi sản phẩm được hoàn thiện, doanh nghiệp sẽ cho ra mắt thị trường. Đây là thời điểm bắt đầu chu kỳ sống của sản phẩm. Ở giai đoạn triển khai và thâm nhập thị trường, phần lớn người tiêu dùng chưa biết đến sự tồn tại của sản phẩm. Vì thế, mục tiêu chính của doanh nghiệp trong giai đoạn 1 là quảng bá thông tin, hình ảnh đến nhiều khách hàng mục tiêu nhất có thể. Product Life Cycle chuyển qua giai đoạn 2 nhanh hay chậm là do chiến lược và cách vận hành của mỗi doanh nghiệp.
Giai đoạn 2: Tăng trưởng (Market Growth)
Sau khi được khách hàng chấp nhận và tin dùng rộng rãi, doanh số và lợi nhuận bắt đầu tăng trưởng mạnh thì đây là dấu hiệu cho sự bắt đầu của giai đoạn 2. Lúc này, phần lớn đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp đã nhận biết được sự tồn tại của sản phẩm này. Cho nên thay vì tiếp tục đẩy mạnh các chiến lược marketing, điều cần làm là giảm ngân sách của hạng mục quảng cáo để tập trung vào sản xuất, phân phối và bán hàng.
Giai đoạn 3: Bão hòa (Market Maturity)
Ở giai đoạn này, doanh nghiệp sẽ không thể thấy trên báo cáo tài chính những con số như tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vài trăm phần trăm, hay một vài chỉ số khác cũng có dấu hiệu chững lại. Khi có dấu hiệu tăng trưởng ổn định, lượng bán không tăng quá nhiều thì sản phẩm đã bắt đầu bước qua giai đoạn bão hòa. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, một trong số đó là thị trường đã bị khai thác hết, không còn nhiều khách hàng mới. Mức độ cạnh tranh tăng cao, từ đó phát sinh thêm chi phí.
Giai đoạn 4: Suy thoái (Market Decline)
Khi bước qua giai đoạn cuối của Product Life Cycle, doanh thu của sản phẩm bắt đầu suy giảm mạnh. Hàng hóa của doanh nghiệp có thể bị ứ đọng, không phân phối được, có thể dẫn đến thua lỗ. Có nhiều người thắc mắc “tại sao lúc trước bán được nhưng bây giờ không còn ai mua”. Rất đơn giản, do thời gian và hành vi khách hàng thay đổi, cộng thêm các yếu tố thị trường tác động thì hàng hóa của bạn không còn hữu ích với người tiêu dùng. Nếu vẫn cứ cố chấp với sản phẩm này thì rất có thể sẽ bị phá sản. Thay vào đó, hãy tập trung phát triển các mặt hàng khác để có thể đón đầu xu thế kinh doanh.
Ví dụ về chu kỳ sống của sản phẩm
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dòng điện thoại bấm (Physical Qwerty Phones), lúc trước, khi công nghệ chưa phát triển, khi dòng điện thoại này được ra mắt, chúng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ khách hàng. Sau khi đã phát triển trong một khoảng thời gian dài, công nghệ thay đổi, những chiếc Smartphone đã dần thay thế loại điện thoại trên. Sau khi trải qua các giai đoạn Triển khai - Tăng trưởng - Bão Hòa thì hiện nay, Physical Qwerty Phones đang nằm ở giai đoạn suy thoái, nhiều doanh nghiệp đã kết thúc Product Life Cycle trên thị trường.
Cách xây dựng chiến lược marketing để nâng cao doanh số và hiệu quả kinh doanh
Mỗi giai đoạn trong chu kỳ sống của sản phẩm sẽ bao gồm nhiều đặc điểm khác nhau, vì thế tối đa doanh số bán hàng, bạn cần phải có chiến lược riêng biệt trong từng thời kỳ.
Chiến lược marketing trong giai đoạn triển khai sản phẩm
Trong thời điểm vừa mới ra mắt, sẽ có rất ít người biết đến sự tồn tại của sản phẩm. Nhiệm vụ chính của những người làm marketing chính là tăng độ nhận diện thương hiệu, làm cho người dùng có ý thức về sự có mặt của sản phẩm trên thị trường.
>> Bản chất của 7P trong Marketing là gì?
Lập chiến lược marketing cho giai đoạn triển khai sản phẩm
Mục tiêu chung: tăng độ nhận diện, quảng bá sản phẩm đến với nhóm khách hàng mục tiêu, hướng dẫn họ về cách sử dụng.
Đối tượng khách hàng nhắm tới: "Innovator" - những khách hàng thích trải nghiệm và có xu hướng săn lùng các sản phẩm mới.
Lên chiến lược marketing mix (7Ps):
Sản phẩm (Product): sản phẩm cơ bản mới được doanh nghiệp đưa ra thị trường.
Giá cả (Price): có rất nhiều cách để định giá ở giai đoạn này, tùy thuộc vào từng lĩnh vực mà có kế hoạch phát triển phù hợp. Chẳng hạn, với những sản phẩm như đồ công nghệ, chiến lược giá hớt váng sữa đang sử dụng dụng rất nhiều. Cách này giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận ban đầu cao, sau đó sẽ giảm dần theo thời gian. Hoặc là chiến lược giá xâm nhập thị trường, cách này đa số được sử dụng trong ngành hàng tiêu dùng thiết yếu. Việc định giá thấp khi tung sản phẩm sẽ giúp thu hút được sự quan tâm nhiều hơn từ phía khách hàng, đẩy mạnh độ nhận diện thương hiệu.
Kênh phân phối (Place): lựa chọn kênh phân phối phù hợp với ngành hàng. Trong giai đoạn này, kênh phân phối đóng vai trò không nhỏ trong việc khách hàng nhìn nhận giá trị của sản phẩm. Nếu doanh nghiệp muốn phát triển một mặt hàng cao cấp thì kênh phân phối cũng phải cùng phân khúc, nếu không, khi người tiêu dùng nhìn vào sẽ đánh giá sai về sản phẩm, từ đó sẽ bị sai khách hàng mục tiêu và khó đạt được hiệu quả bán hàng.
Chiêu thị (Promotion): hiện nay có rất nhiều hình thức để thúc đẩy hoạt động mua - bán diễn ra nhanh hơn. Ở giai đoạn này trong chu kỳ sống của sản phẩm, doanh nghiệp cần đẩy mạnh ngân sách quảng cáo. Ngoài các hình thức đại trà trên các phương tiện truyền thông như TV, báo chí,... các kênh tiếp thị online cũng nên sử tận dụng. Ngoài ra có thể lập các chương trình khuyến mãi để dễ thu hút sự chú ý hơn.
Con người (People): về mặt nội bộ công ty, nâng cao chất lượng nhân sự, đặc biệt là phòng Marketing để có thể tạo ra được các chiếc lược quảng cáo thu hút. Đối với khách hàng, bạn cần khảo sát nhu cầu của thị trường để nắm bắt mong muốn của họ, từ đó cải tiến sản phẩm.
Quy trình (Process): không phải cứ đẩy mạnh hoạt động nhận diện thương hiệu là bạn có thể tiêu bao nhiêu tiền cũng được. Hãy liên tục cải tiến từng chiến dịch quảng cáo để giảm thiểu chi phí. Ngày nay có rất nhiều công cụ giúp bạn đo lường hiệu quả Marketing, đặc biệt là trên nền tảng online.
Cơ sở vật chất (Physical Evidence): tích cực xây dựng nhận diện thương hiệu của sản phẩm đối với khách hàng. Ví dụ, khi nhắc đến dòng xe vận hành bền bỉ, Honda là cái tên được nhắc tới đầu tiên. Ngoài ra bạn cũng cần thống nhất về bộ nhận diện thương hiệu của sản phẩm như logo, slogan, bao bì,... để khách hàng có thể phân biệt.
Chiến lược marketing trong giai đoạn sản phẩm tăng trưởng
Ở giai đoạn này của Product Life Cycle, mục tiêu doanh nghiệp hướng đến đã khác, vì vậy cần có một số thay đổi trong chiến lược tiếp cận khách hàng thì mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
Lập chiến lược marketing cho giai đoạn sản phẩm tăng trưởng
Mục tiêu chung: tăng tốc độ sản xuất, đẩy mạnh bán hàng, mở rộng thị trường để chiếm vị trí dẫn đầu.
Đối tượng khách hàng nhắm tới: "Early Adopter" - tập trung vào những khách hàng thích nghi nhanh với sản phẩm.
Lên chiến lược marketing mix (7Ps):
Sản phẩm (Product): sau khi trải qua giai đoạn triển khai, doanh nghiệp sẽ nhận được phản hồi từ khách hàng. Điều cần làm lúc này là dựa vào các feedback đó để cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ: một công ty sản xuất bánh kẹo cho ra đời một dòng kẹo hương ổi. Khi nhìn nhận lại thị trường thì có thể nghiên cứu các hương vị khác như dâu, chuối,...
Giá cả (Price): đối với những sản phẩm ở phân khúc cao cấp thì ngoài chi phí sản xuất, sẽ có các lợi ích vô hình đi kèm, vì vậy có thể định giá theo giá trị sản phẩm mang lại. Còn đối với các dòng sản phẩm phổ thông thì dựa vào giá vốn hàng bán.
Kênh phân phối (Place): ở giai đoạn sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh mẽ, doanh nghiệp cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng mua được sản phẩm. Chính vì vậy, cố gắng mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa.
Chiêu thị (Promotion): tối ưu hóa các chiến dịch quảng cáo, không cần rầm rộ và có thể cắt bỏ một số kênh không cần thiết.
Con người (People): gia tăng hiệu suất làm việc của nhân viên. Duy trì mối quan hệ tốt với các đối tác để cung cấp đầy đủ nguồn nguyên vật liệu cho việc sản xuất hàng loạt.
Quy trình (Process): với việc nâng cao tốc độ sản xuất, doanh nghiệp cần phải chú ý đến chi phí phát sinh không cần thiết để có thể cắt bỏ. Hoặc là nâng cấp các trang thiết bị tối tân hơn để đạt nhiều hiệu quả.
Cơ sở vật chất (Physical Evidence): tiếp tục đẩy mạnh và tối ưu các chiến lược đề ra trong giai đoạn triển khai.
Chiến lược marketing trong giai đoạn sản phẩm bão hòa
Không còn quá ồ ạt đẩy mạnh quảng cáo, mở rộng quy mô sản xuất, giai đoạn bão hòa là lúc cần bảo vệ thị trường mà doanh nghiệp đã chiếm được.
Lập chiến lược marketing cho giai đoạn sản phẩm bão hòa
Mục tiêu chung: giữ vững được thị phần doanh nghiệp.
Đối tượng khách hàng nhắm tới: "Early Maturity" và "Late Maturity" - hướng đến chăm sóc các khách hàng trung thành của doanh nghiệp.
Lên chiến lược marketing mix (7Ps):
Sản phẩm (Product): chăm chút hơn cho sản phẩm, bao gồm cải thiện chất lượng, mẫu mã để duy trì được nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Giá cả (Price): ở giai đoạn này, giá cả sẽ được định giá với mức độ cạnh tranh của thị trường. Nếu ít đối thủ, đồng thời bạn đang chiếm lĩnh thị trường thì có thể sử dụng thương hiệu để tiếp tục duy trì giá sản phẩm. Còn với quy mô hoạt động nhỏ hơn thì có thể định giá ngang hoặc thấp hơn các đối thủ khác.
Kênh phân phối (Place): tiếp tục sử dụng các kênh phân phối ở giai đoạn trước, chỉ loại bỏ các kênh bán hàng không hiệu quả.
Chiêu thị (Promotion): đánh mạnh vào sự khác biệt và giá trị của sản phẩm so với các doanh nghiệp khác.
Con người (People): ở giai đoạn này, yếu tố tương tác với khách hàng phải được đặt lên hàng đầu. Với việc thị trường bị giới hạn, cộng thêm sự cạnh tranh từ các thương hiệu khác thì để giữ chân được người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch chăm sóc khách hàng cụ thể.
Quy trình (Process): ngừng đầu tư vào việc đẩy mạnh sản xuất. Lúc này hãy giữ sự ổn định để chi phí không bị tăng cao. Thực hiện tối ưu quy trình bán hàng, hệ thống thanh toán là việc cần thiết trong giai đoạn sản phẩm bão hòa.
Cơ sở vật chất (Physical Evidence): lúc này doanh nghiệp đã phần nào chiếm được chỗ đứng trong tâm trí khách hàng. Bạn không cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, chỉ cần duy trì được tần suất xuất hiện để khách hàng không lãng quên sản phẩm của bạn.
Chiến lược marketing trong giai đoạn sản phẩm suy thoái
Nếu cứ “cố đấm ăn xôi”, không chịu nhìn vào thực tế để có kế hoạch phù hợp, doanh nghiệp sẽ chịu những thiệt hại không đáng có.
Lập chiến lược marketing cho giai đoạn sản phẩm suy thoái
Mục tiêu chung: rút dần sản phẩm ra khỏi thị trường
Đối tượng khách hàng nhắm tới: "Laggard" - tập trung vào nhóm khách hàng chấp nhận sử dụng sản phẩm cũ, lỗi thời, những người không quan tâm và theo đuổi xu hướng mới.
Lên chiến lược marketing mix (7Ps):
Sản phẩm (Product): cắt giảm số lượng sản xuất để không bị tồn đọng hàng hóa quá nhiều trên thị trường. Quá trình này cần phải diễn ra từ từ, không được quá đột ngột vì vẫn còn một lượng khách hàng đang sử dụng sản phẩm.
Giá cả (Price): giảm giá bán hàng, tăng phần trăm chiết khấu để tăng khả năng bán được hàng.
Kênh phân phối (Place): cắt bớt các kênh bán hàng để giảm chi phí, từ từ rút lui khỏi thị trường.
Chiêu thị (Promotion): áp dụng các chương trình khuyến mãi là cách giúp bạn tăng tính thanh khoản cho sản phẩm.
Con người (People): chuyển dần nguồn lực nội bộ của doanh nghiệp sang phát triển các sản phẩm mới. Lên kế hoạch tìm kiếm đối tác và khách hàng phù hợp với mặt hàng này.
Quy trình (Process): giảm số lượng hàng hóa sản xuất, cắt bỏ một số quy trình bán hàng không cần thiết để giảm chi phí phát sinh.
Cơ sở vật chất (Physical Evidence): cắt giảm toàn bộ chi phí xây dựng thương hiệu, tập trung triển khai chiến lược Marketing cho các sản phẩm mới.
Một số lưu ý khi áp dụng Product Life Cycle
Doanh nghiệp tác động rất lớn đến vòng đời của sản phẩm
Vòng đời của sản phẩm không chỉ phụ thuộc bởi khách hàng, mà doanh nghiệp cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc duy trì chu kỳ này. Ví dụ, doanh nghiệp của bạn là một thương hiệu có tiếng trên thị trường, chắc chắn khi ra mắt sản phẩm mới, người tiêu dùng sẽ dễ dàng đón nhận hơn. Từ đó, thời gian hoàn tất giai đoạn triển khai sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Hãy luôn bỏ thời gian ra phân tích chu kỳ sống của sản phẩm
Việc xem xét vòng đời sản phẩm có thể giúp doanh nghiệp định hướng được các bước phát triển tiếp theo. Như bạn đã biết, mỗi giai đoạn sẽ cần có những chiến lược khác nhau, vì thế, nếu không theo dõi sát sao thì khó lòng cạnh tranh được, tuổi thọ của sản phẩm cũng suy giảm, ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.
>> Để quản lý hiệu quả kinh doanh, phần mềm bán hàng là công cụ chắc chắn phải có của doanh nghiệp!
Không nên bảo thủ, hãy thay đổi khi cần thiết
Một sản phẩm có thể sẽ không đi qua hết cả 4 giai đoạn. Bạn không nên gượng ép phát triển một sản phẩm không còn phù hợp với thị trường. Khi cần thiết, hãy đưa ra “án tử” cho nó, điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt được thiệt hại, tập trung nguồn lực vào phát triển các ý tưởng tiềm năng hơn.
Hy vọng qua chủ đề “Chu kỳ sống của sản phẩm | Chiến lược phát triển và nâng cao doanh số” TPos vừa chia sẻ, bạn đọc sẽ có cái nhìn chính xác hơn về Product Life Cycle là gì và cách áp dụng chiến lược từng giai đoạn sao cho hiệu quả nhất. Chúc bạn thành công! Đừng quên theo dõi TPos để không bỏ lỡ các kiến thức kinh doanh bổ ích khác nhé.