Chia sẻ

[2022] Hướng dẫn chi tiết cách bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu

Amazon là một kênh bán hàng cực kỳ tiềm năng. Số lượng người truy cập trang thương mại điện tử này lên đến hàng triệu lượt mỗi ngày. Bởi vậy, nếu bạn đang muốn tìm một nền tảng để tiếp thị sản phẩm của mình thì đừng bỏ qua website này. Sau đây TPos sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu để mọi người biết được quy trình bán hàng, cách thức đăng ký tài khoản ra sao, từ đó có thể nhanh chóng kinh doanh hiệu quả.

Giới thiệu về Amazon

Giới thiệu về Amazon

Amazon.com, Inc. không chỉ là một sàn thương mại điện tử như mọi người vẫn thường nhầm lẫn. Đây là một công ty đa quốc gia của Mỹ có trụ sở tại Seattle, Washington. Họ kinh doanh rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, truyền phát kỹ thuật số và thương mại điện tử. Tập đoàn này được xem Big Four công nghệ (4 công ty công nghệ lớn nhất) cùng với Facebook, Apple và Google. 

Amazon được cho là đã thay đổi tư duy của các doanh nghiệp khi tận dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình. Công ty cũng cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến lớn nhất thế giới giúp các nhà bán hàng dễ dàng đưa sản phẩm của mình với khách hàng. Amazon là công ty Internet lớn nhất tính theo doanh thu trên thế giới. Và là công ty tư nhân lớn thứ hai ở Hoa Kỳ, thuộc top trong những công ty có giá trị nhất thế giới. 

Jeff Bezos thành lập Amazon vào ngày 5 tháng 7 năm 1994, tại Bellevue, Washington. Ban đầu thì công ty hoạt động như một nhà phân phối sách online, tuy nhiên sau này họ đã mở rộng thị trường sáng bán đồ điện tử, thời trang, thực phẩm, đồ nội thất,... và bây giờ là hầu như tất cả mọi thứ đều có thể tìm thấy trên Amazon.com. Vào năm 2015, Amazon đã vượt qua Walmart trở thành nhà bán lẻ có giá trị nhất tại Hoa Kỳ tính theo vốn hoá thị trường. Năm 2017, họ mua lại thêm Whole Foods Market với giá 13,4 tỷ đô la để lấn sân thêm vào thị trường bán lẻ truyền thống. 2018, Jeff Bezos tuyên bố rằng Amazon Prime - dịch vụ giao hàng trong 2 ngày của họ đã có trên 100 triệu người dùng khắp thế giới. 

Ngoài ra, Amazon còn tham gia vào phân phối tải xuống và phát trực tuyến video, audiobook, âm nhạc thông qua công ty con là Amazon Prime Video, Audible và Amazon Music. Amazon cũng có một chi nhánh xuất bản, Amazon Publishing, một hãng phim và truyền hình, Amazon Studios. Họ cũng sản xuất cả hàng điện tử tiêu dùng như thiết bị đọc ebook Kindle, máy tính bảng Fire, Fire TV, và các thiết bị Echo. Ngoài ra, các công ty con của Amazon cũng bao gồm Ring, Twitch.tv, Whole Foods Market và IMDb. 

Bán hàng trên Amazon là gì?

Bán hàng trên Amazon là gì

Bán hàng trên Amazon là bạn sẽ sử dụng website thương mại điện tử của họ để kinh doanh sản phẩm của mình, không cần phải tốn nhiều công sức xây dựng một trang bán hàng riêng. Giống như các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki,... bạn sẽ được thoải mái đăng hàng hoá của mình lên, tuy nhiên, khi bán hàng tại Amazon.com thì nguồn khách hàng sẽ đến từ mọi nơi trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. 

Tại sao nên kinh doanh trên Amazon?

Tại sao nên kinh doanh trên Amazon

Đây là một sàn thương mại điện tử cực kỳ tiềm năng cho cả người bán lẫn người mua hàng. Đối với một seller thì bạn có thể: 

  • Là một trong những thương hiệu đáng tin cậy nhất trên thế giới. Khi phân phối sản phẩm tại Amazon.com, cửa hàng của bạn sẽ tạo được sự tin tưởng hơn trong mắt người tiêu dùng.

  • Tiết kiệm chi phí tiếp cận khách hàng vì có thể tận dụng được một nguồn data khổng lồ của Amazon. 

  • Bán hàng không bị giới hạn trong một phạm vi lãnh thổ nhất định.

  • Danh mục sản phẩm bán của Amazon vô cùng phong phú, dễ dàng mở rộng ngành hàng. 

  • Liên tục cập nhật những tính năng mới để thu hút thêm nhiều khách hàng hơn, thúc đẩy hoạt động bán hàng diễn ra một cách nhanh chóng. 

  • Có chính sách bảo vệ người bán và người mua, từ đó mọi người có thể tin tưởng nhau hơn. 

>> Bán hàng trên Ebay cũng là kênh đem lại lợi nhuận tuyệt vời!

Điều kiện bán hàng trên Amazon là gì?

Điều kiện bán hàng trên Amazon là gì

Để có thể tận dụng được một số lợi thế của sàn TMĐT này thì các nhà bán hàng cần đáp ứng một số yêu cầu như:

  • Phải đăng ký bán hàng trên Amazon.

  • Khi bán hàng, người bán phải cung cấp chính xác địa chỉ, thông tin hàng hóa, thời gian giao hàng và cũng như hãng vận chuyển.

  • Có hình ảnh bản quyền: phải có hình ảnh thực, chi tiết về sản phẩm. 

  • Nắm được các hình thức vận chuyển, các khoản phí xuất nhập khẩu hàng hóa và thời gian vận chuyển cho 1 đơn hàng. Người mua chỉ nhận hàng và sẽ không trả bất cứ khoản phí phát sinh.

  • Nên trau dồi tiếng Anh, vì bạn sẽ phải giao tiếp với nhiều người trên thế giới.

  • Phải trả lời người mua nhanh chóng trong vòng 24h. 

  • Hiểu rõ các khoản phụ phí như phí vận chuyển, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt,…và khi có yêu cần xuất VAT thì phải thực hiện đầy đủ. 

Quy trình bán hàng trên Amazon

Quy trình bán hàng trên Amazon

Bước 1: Tìm hiểu thị trường, lựa chọn mặt hàng phù hợp

Nếu bạn đã có sẵn một sản phẩm để bán thì quá tuyệt vời. Tuy nhiên, đối với những ai chưa biết nên bán gì trên Amazon thì sau đây là một số ý tưởng bạn có thể xem xét nhé. 

  • Hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan: đây cũng là mặt hàng truyền thống của nước ta, và những người trên thế giới có nhu cầu sử dụng chúng rất nhiều. Vì vậy, nếu chưa biết nên bán sản phẩm nào thì đây là một ý tưởng cực kỳ tuyệt vời. Giá mặt hàng này thường dao động trong khoảng 15 - 50 USD tuỳ kiểu dáng và chất lượng. 

  • Chổi đót: bạn hãy thử tìm sản phẩm này trên Amazon, có rất nhiều người cũng đang kinh doanh chúng. Nếu có được một nguồn hàng tốt, giá cạnh tranh thì đây là một mặt hàng cực kỳ tiềm năng. Giá bán hiện tại giao động khoảng 450.000 VNĐ/chổi. 

  • Nón lá, nón quai thao: số lượng nón lá được bán mỗi ngày trên sàn thương mại điện tử này rất lớn. Đặc biệt là các sản phẩm nón được sơn màu và thiết kế đẹp mắt. Giá bán dao động từ 700.000 - 800.000 VNĐ/chiếc.

Ngoài ra, còn rất nhiều ngành hàng khác tại nước ta mà bạn có thể đăng bán thành công ở đây. Hãy kiếm những nguồn hàng chất lượng, đảm bảo giá cạnh tranh thì bạn chắc chắn thu hút được sự quan tâm của thị trường. 

Bước 2: Thiết kế logo, bao bì và mua GTIN cho hàng hóa

Khi đã chốt được ngành hàng tiềm năng, lúc này bạn cần có thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng thu hút được sự quan tâm của người dùng đến với cửa hàng hơn. 

Ngoài ra, để hàng hóa lưu hành quốc tế thì nó cần có barcode quốc tế GTIN. Đây là mã nhận dạng hàng hóa quốc tế, phân biệt nó với những sản phẩm khác và chúng được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới.

Những mã GTIN nhận dạng thông dụng trên thế giới

  • EAN (European Article Number): ở các nước châu Âu thì đây được sử dụng làm mã hàng hoá. Nó bao gồm 13 chữ số. 

  • JAN (Japanese Article Number): JAN là mã hàng hóa dùng cho hàng thương mại ở thị trường Nhật, gồm từ 8 - 13 chữ số.

  • UPC (Universal Product Code): là mã ID định dạng hàng hóa tiêu chuẩn được sử dụng tại thị trường Hoa Kỳ. UPC có thể mua từ GS1 (Hiệp hội mã số châu Âu) và chuyển thành mã vạch để dán lên sản phẩm.

  • FNSKU (Fulfillment Network Stock Keeping Unit): là một mã quản lý dành riêng cho sản phẩm bán trên Amazon FBA. Mã này khi nhà bán hàng đăng sản phẩm và sử dụng dịch vụ FBA thì Amazon sẽ cấp mã này cho người bán.

  • ISBN (International Standard Book Number): là mã ID hàng hóa chuyên dùng cho mặt hàng sách. Thường liên quan với ngày xuất bản của nó. Có hai loại chính là 10 chữ số hoặc dãy 13 chữ số.

>> Tìm hiểu về mã vạch các nước trên thế giới!

Bước 3: Lựa chọn tài khoản bán hàng

Có nhiều người thắc mắc rằng “bán hàng trên Amazon có mất phí không” thì nó phụ thuộc vào tài khoản bán hàng của bạn. Sau khi chọn được một mặt hàng tiềm năng, người bán cần phải lựa chọn tài khoản bán hàng cho mình. Có 2 loại tài khoản bán hàng trên Amazon:

Gói bán hàng chuyên nghiệp (Professional)

  • Phí duy trì tài khoản: $39.99/tháng.

  • Không tính thêm phí $0.99 cho mỗi sản phẩm bán được.

  • Không giới hạn đăng tải sản phẩm.

  • Có cơ hội xuất hiện ở vị trí trên cùng trên trang thông tin chi tiết sản phẩm.

  • Có thể tùy chỉnh chi phí vận chuyển cho đơn hàng.

  • Thoải mái sử dụng các công cụ báo cáo chuyên nghiệp hoặc các công cụ giúp đăng hàng loạt mặt hàng giúp tiết kiệm thời gian.

  • Được truy cập vào chức năng hỗ trợ quản lý hàng tồn kho số lượng lớn.

  • Có thể sử dụng các công cụ đặc biệt: quảng cáo, chạy mã giảm giá sản phẩm, các chương trình khuyến mãi và tùy chọn gói quà cho sản phẩm.

Khi chọn tài khoản bán hàng chuyên nghiệp, bạn sẽ được sử dụng nhiều công cụ và có nhiều ưu đãi hơn. Người bán sẽ dễ dàng quảng bá sản phẩm của mình đến với khách hàng, từ đó đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn. Gói này sẽ phù hợp với doanh nghiệp, những người có nguồn vốn kinh doanh ổn định, hoặc người có kế hoạch bán hàng lâu dài và dự tính bán hơn 40 sản phẩm/tháng. 

Gói bán hàng cá nhân (Individual)

  • Không bị tính phí $39.99/tháng

  • Bị tính phí bán hàng là $0.99 cho mỗi đơn hàng bán được, có phát sinh thêm một số phí khác cho từng danh mục như phí giới thiệu,...

  • Có thể đăng 20 danh mục sản phẩm và 40 sản phẩm/tháng

Gói bán hàng cá nhân này sẽ phù hợp hơn với những ai đang trong quá trình tìm hiểu thị trường, chưa có nhiều kinh nghiệm và muốn bán hàng thử trên sàn thương mại điện tử này. Số lượng sản phẩm dự định bán cũng dưới 40. 

Thông thường, mỗi người bán chỉ nên sử dụng một tài khoản. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Lúc này bạn có thể đăng ký nhiều tài khoản nhưng cần có sự phê duyệt từ Amazon.com. 

Bước 4: Đăng ký tài khoản bán hàng

Đây là một quá trình không phải đơn giản và yêu cầu qua nhiều quá trình xác minh. Để nghiên cứu kỹ hơn về quy trình đăng ký tài khoản, hãy đọc xem tiếp phần cách đăng ký bán hàng trên Amazon ở phía dưới nhé. 

Bước 5: Bắt đầu bán hàng

Sau khi đã tạo xong tài khoản bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu và chọn được mặt hàng phù hợp thì lúc này bạn cần tìm hiểu về phương thức kinh doanh trên Amazon. Có 2 hình thức chính: 

  • FBM (Fulfillment by Merchant): Đây là hình thức mà đơn hàng sẽ được xử lý bởi bên thứ 3 chứ không phải là Amazon. Lúc này, người bán sẽ có trách nhiệm lưu kho, đóng gói hàng hoá và gửi bưu kiện đó đến tay khách mua hàng. 

  • FBA  (Fulfillment by Amazon): Hình thức này được tạo ra để hỗ trợ các nhà bán hàng nhỏ lẻ, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ cho người mua hàng. Với cách này, bạn chỉ cần gửi hàng tới kho của Amazon. Tại đây, sản phẩm sẽ được lưu kho và bảo quản tốt nhất. Khi có đơn hàng phát sinh thì sẽ có bộ phận phân loại, đóng gói và chuyển hàng tới cho người mua. Amazon cũng đảm nhiệm luôn công tác chăm sóc khách hàng sau khi mua hàng.

Các hình thức bán hàng trên Amazon phổ biến hiện nay

Các hình thức bán hàng trên Amazon phổ biến hiện nay

Dropshipping

Hình thức này đang khá được ưa chuộng bởi các nhà bán hàng không phải giữ hàng hay tốn chi phí nhập kho. Khi có đơn hàng phát sinh thì nó sẽ được vận chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất đến địa chỉ người mua hàng, không phải mất phí trung gian. 

Nếu muốn kinh doanh theo mô hình Dropshipping thì sau khi tìm được nguồn hàng, bạn sẽ tiến hành đăng thông tin sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Khi khách hàng có nhu cầu thì bạn sẽ chuyển thông tin của họ đến nhà cung cấp. Lúc đó, họ sẽ thay bạn đóng gói, vận chuyển hàng đến người mua. Lợi nhuận đạt được là phần chênh lệch giữa giá nhập từ nhà cung cấp và giá bán trên website. 

FBA

FBA (Fulfillment by Amazon) là dịch vụ hỗ trợ bán hàng trọn gói, các nhà bán hàng chỉ cần gửi hàng đến kho lưu trữ của Amazon và mọi vấn đề khác họ sẽ thay bạn chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, bạn sẽ cần trả một số khoản phí nhỏ cho họ. 

Amazon Affiliate - Tiếp thị liên kết với Amazon

Đây cùng là hình thức kinh doanh không vốn với Amazon được nhiều người lựa chọn. Nếu làm tốt thì lợi nhuận kiếm được không hề thua kém các hình thức khác. Cách thức hoạt động là bạn sẽ được chia phần trăm hoa hồng khi giới thiệu người khác mua hàng thông qua đường dẫn của bạn (Affiliate Links). 

Nhà bán hàng có thể tự tạo các đường link riêng biệt cho từng sản phẩm và mang chúng đi quảng cáo tới khách hàng, có thể là trên mạng xã hội, blog, website,... hoặc bất cứ kênh nào tập trung khách hàng tiềm năng. Bạn không cần tạo ra sản phẩm mà có thể bán bất cứ mặt hàng nào sẵn có trên sàn và thu về lợi nhuận cho bản thân. 

Merch by Amazon

Merch by Amazon là dịch vụ cho phép các cá nhân đăng những thiết kế sản phẩm của mình lên bán trên Amazon. Khi phát sinh đơn hàng, Amazon sẽ in chúng và vận chuyển tới người mua. Lợi nhuận kiếm được sẽ phải trừ đi chi phí sản xuất của họ. Tuy nhiên, để có thể kinh doanh bằng hình thức này không phải đơn giản, bạn phải trải qua quá trình xét duyệt khá gắt gao, phải cạnh tranh với nhiều đối thủ và dễ bị đánh cắp ý tưởng, phá giá sản phẩm. 

Chi tiết cách đăng ký bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu

Bước 1: Truy cập vào đường dẫn đăng ký tài khoản Amazon tại https://sellercentral.amazon.com. Nhấn vào đăng ký tài khoản.

  • Your name: Tên

  • Email.

  • Password: Mật khẩu

  • Chọn “Next”

đăng ký tài khoản Amazon

Bước 2: Tiến hành xác minh Email. Tìm trong hộp thư đến để lấy mã OTP từ Amazon. 

Tiến hành xác minh Email

Hãy đảm bảo là bạn đã có đủ hết những thông tin cần thiết để đăng ký tài khoản như hình dưới.

những thông tin cần thiết để đăng ký tài khoản

Bước 3: Điền thông tin địa chỉ, xác nhận số điện thoại. Lưu ý là chuyển sang đầu số +84 và điền 9 số còn lại để nhận mã OTP.

Điền thông tin địa chỉ, xác nhận số điện thoại

Bước 4: Chọn thị trường bán hàng. Lưu ý là hiện tại chỉ hỗ trợ các seller Việt Nam bán hàng qua thị trường Mỹ thuộc North America.

Chọn thị trường bán hàng

Bước 5: Điền thông tin tài khoản ngân hàng để nhận tiền bán hàng trên Amazon.

Điền thông tin tài khoản ngân hàng để nhận tiền bán hàng trên Amazon

Bước 6: Điền thông tin thẻ tín dụng để có thể trả phí bán hàng. Các thông tin này sẽ hoàn toàn được bảo mật nên bạn cứ yên tâm.

Điền thông tin thẻ tín dụng

Bước 7: Nhập thông tin về cửa hàng của bạn. 

Nhập thông tin về cửa hàng của bạn.

Bước 8: Xác minh danh tính cá nhân. Bạn cần chụp ảnh và upload lên theo yêu cầu. Có thể sử dụng CMND, CCCD, Passport. 

Xác minh danh tính cá nhân

Bước 9: Phân loại thuế, chọn đúng loại hình cá nhân hoặc doanh nghiệp.

Phân loại thuế, chọn đúng loại hình kinh doanh

Cách nhận tiền bán hàng từ Amazon

Amazon.com là một sàn thương mại điện tử của nước ngoài nên hình thức thanh toán của họ cũng không giống với các sàn tại Việt Nam như Shopee hay Lazada, vì vậy rất nhiều nhà bán hàng bối rối không biết mình sẽ nhận tiền như thế nào? Khi nào sẽ được thanh toán tiền bán hàng? 

Thông thường, ngay sau khi xác nhận đã vận chuyển hàng, Amazon sẽ chuyển khoản đến tài khoản thành toán của shop. Thời gian chi trả sẽ là 2 lần 1 tuần. Một số hình thức nhận tiền đang được hỗ trợ là: 

Nhận tiền quy đổi sang Amazon Gift Card

Với cách này thì tiền trong tài khoản sẽ được chuyển thành phiếu quà tặng. Bạn có thể sử dụng chúng để nạp tiền vào và mua sắm trên sàn. Tuy nhiên, cách này khá là bất tiện vì bạn không thể rút tiền về Việt Nam để tái đầu tư, nhập thêm hàng hoá. 

Nhận tiền thông qua thẻ Payoneer

Đây là cách đang được nhiều nhà bán hàng sử dụng để có thể rút tiền về nước. Payoneer là một dịch vụ thanh toán quốc tế, họ sẽ cấp cho bạn một chiếc thẻ có thể rút tiền toàn cầu. Khi có yêu cầu rút tiền, Amazon sẽ gửi về tài khoản Payoneer và bạn có thể rút tiền qua ATM hoặc ngân hàng tại Việt Nam.

Nhận tiền thông qua phiếu séc

Nếu bạn đăng ký nhận tiền bằng séc thì họ sẽ gửi cho bạn thông qua đường bưu điện khi có yêu cầu rút tiền. Tuy nhiên, rất ít người sử dụng cách này vì thời gian chờ đợi khá lâu và còn có rủi ro thất lạc. Vì vậy TPos khuyên bạn đừng nên sử dụng hình thức này nhé. 

Nên bán gì trên Amazon? Cách tìm kiếm những mặt hàng tiềm năng

Nên bán gì trên Amazon? Cách tìm kiếm những mặt hàng tiềm năng

Để trả lời được câu hỏi nên bán gì trên Amazon thì việc đầu tiên bạn cần làm là phân tích các sản phẩm đang bán chạy trên sàn, mặt hàng bạn đang dự định kinh doanh có nằm trong top yêu thích hay không. Việc nghiên cứu như vậy sẽ giúp bạn lựa chọn được một ngành hàng phù hợp, lên được chiến lược kinh doanh hợp lý. Các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Truy cập đường dẫn https://www.amazon.com/Best-Sellers/zgbs, sau đó chọn những ngành hàng mong muốn. 

bán gì trên amazon

Bước 2: Chọn qua tab “New releases” để hiển thị mục những sản phẩm mới được đăng mà bán chạy nhất.

  • Mover and Shakers: tổng hợp sản phẩm bán chạy trong 24h và Amazon cập nhật nó từng giờ.

  • Most wishes for: sản phẩm người tiêu dùng thêm vào giỏ hàng nhưng chưa đưa ra quyết định mua.

Việc xác định nên bán gì trên Amazon vô cùng quan trọng, nếu chọn sai ngành hàng thì mọi công sức bạn đầu tư sẽ trở thành vô nghĩa. Khi có những thông tin chính xác, bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn, mang về nhiều lợi nhuận hơn. 

Kinh nghiệm bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu

Kinh nghiệm bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu

Với những người có nhiều kinh nghiệm bán hàng trên Amazon thì họ khuyên rằng nên sử dụng hình thức FBA (Fulfillment by Amazon). Nó sẽ mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả nhất. Ngoài ra, còn một số vấn đề bạn cần phải lưu ý để có lợi nhuận cao trong lĩnh vực này, chẳng hạn như:

Xây dựng thương hiệu riêng

Muốn kinh doanh lâu dài thì chắc chắn bạn cần phải có một yếu tố để cho khách hàng nhớ tới bạn. Và để làm được việc này, không còn cách nào khác là phải xây dựng được một thương hiệu riêng cho mình. Từ đó, người mua có thể dễ dàng đánh giá, ghi nhớ và phân biệt hàng hoá của bạn với các đối thủ cạnh tranh. 

>> Cách xây dựng bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng với người mua!

Hoàn thiện sản phẩm khi đăng bán

Để hàng của bạn có thể tiếp cận được với người mua thì nó phải có đầy đủ thông tin, càng chi tiết thì tỷ lệ khách hàng nhìn thấy càng cao. Hãy cố gắng miêu tả những thông tin cơ bản về sản phẩm, các tính năng nổi bật của nó. Thiết kế thêm các hình ảnh, video để người mua có cái nhìn rõ hơn về sản phẩm, từ đó dễ dàng bị thuyết phục để mua hàng. 

Tuân thủ các chính sách bán hàng của Amazon

Sàn TMĐT này cũng có những quy định và chính sách của riêng họ. Vì thế, muốn kinh doanh trên Amazon lâu dài thì bạn cần làm đúng những luật họ đã đặt ra. Nếu không tuân thủ các chính sách dành cho nhà bán hàng, bạn có thể gặp những rắc rối và thậm chí là bị khoá tài khoản. 

Cố gắng tận dụng những đơn hàng bán được để xin đánh giá 

Nếu sản phẩm được đánh giá càng cao thì sẽ có tần suất xuất hiện đến người mua nhiều hơn. Đây cũng là tiêu chí giúp Amazon đánh giá tốt về sản phẩm của bạn. Vì vậy, kinh nghiệm bán hàng trên Amazon là khi có phát sinh đơn hàng, bạn cố gắng mang lại trải nghiệm tuyệt vời nhất cho người mua để nhận được review 5 sao. 

Giá bán cạnh tranh

Amazon nổi tiếng là sở hữu những sản phẩm chất lượng với giá rẻ nhất. Bởi vậy, nếu giá niêm yết của shop quá cao mà không có các chương trình bán hàng ưu đãi thì rất khó thu hút người mua. Hãy nghiên cứu đối thủ xem họ đặt giá ra sao để có mức giá bán phù hợp nhé. 

Có kế hoạch chăm sóc khách hàng

Kinh nghiệm bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu là phải giữ được liên lạc và tạo mối quan hệ với người dùng. Để làm được điều này, không còn cách nào khác là các chủ shop cần có kế hoạch chăm sóc khách hàng bàn bản. Khi có bất kỳ vấn đề gì phát sinh thì bạn cần nhanh chóng giải quyết cho họ. Đừng bao giờ bỏ lơ những phản hồi của người tiêu dùng nếu không muốn việc bán hàng nhanh chóng thất bại. 

Để chăm sóc khách hàng được tốt nhất, bạn cần có vốn tiếng Anh cơ bản để trả lời khách hàng vì đa số bạn sẽ tiếp xúc với khách quốc tế chứ không phải tại Việt Nam. Và tốc độ phản hồi tin nhắn càng sớm càng tốt, tránh để người dùng đợi quá lâu vì có rất nhiều gian hàng khác sẵn sàng hớt tay trên nếu bạn bất cẩn. 

Phải biết bán chéo sản phẩm

Với những bạn còn ít kinh nghiệm kinh doanh trên Amazon thì thường không để ý đến yếu tố này. Mỗi đơn hàng có giá trị thường rất nhỏ. Nếu bạn đang rơi vào tình trạng này thì cần xem lại chiến lược bán hàng của mình. Để bán hàng trên sàn thương mại điện tử hiệu quả nhất thì bạn phải biết cách bán chéo. Chẳng hạn như khi khách muốn mua một tuýp kem dưỡng da thì bạn phải làm sao mà giỏ hàng của họ sẽ thêm một số sản phẩm khác như mặt nạ, serum,...

Cách thường được sử dụng để bán chéo sản phẩm chính là “Mua kèm deal sốc”. Ví dụ như khi mua một sản phẩm có giá $100, khách hàng được mua 1 lọ serum với giá chỉ còn $1 (giá gốc $10). Tùy thuộc vào mặt hàng mà bạn linh hoạt thay đổi giá cho phù hợp. 

Tặng voucher để kích thích khách hàng cũ quay lại mua hàng

Kinh nghiệm bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu không thể bỏ qua là tặng voucher để kích thích mọi người quay trở lại mua hàng. Ví dụ như khi có chị A vừa hoàn thành đơn hàng, bạn sẽ gửi tặng chị ấy một chiếc voucher giảm 10% có hóa đơn tiếp theo. Việc này sẽ giúp người mua khi có nhu cầu về một sản phẩm nào đó thì họ sẽ truy cập shop của bạn đầu tiên, tránh bị các shop khác lôi kéo. 

Mẹo: nên giới hạn thời gian sử dụng voucher khuyến mãi này. Bạn có thể đặt thời hạn 1 - 2 tháng tùy vào ngành hàng. Điều này sẽ giúp tác động đến yếu tố sợ bỏ lỡ của người tiêu dùng, từ đó đưa ra quyết định mua hàng. 

Tận dụng những chiến dịch quảng cáo của Amazon

Quảng cáo sẽ là phương án giúp bạn đưa sản phẩm đến với khách hàng một cách nhanh nhất. Đối với những người mới bán hàng trên Amazon thì bạn có thể tham khảo 4 hình thức tiếp thị chính là: 

  • Sponsored Product: Sản phẩm của bạn sẽ xuất hiện khi người mua tiềm năng tìm kiếm theo một số từ khóa nhất định. 

  • Sponsored Brand: Khi chọn hình thức này banner thương hiệu của bạn sẽ xuất hiện trên trang tìm kiếm của Amazon. Tuy nhiên, chi phí để chạy quảng cáo loại này rất cao, bạn nên cân nhắc nhé. 

  • Stores: Là những trang thông tin mua sắm trên Amazon, nơi bạn có thể quảng bá thương hiệu và danh mục sản phẩm của bạn hoàn toàn miễn phí. Amazon sẽ cung cấp một số công cụ để bạn có thể tạo được gian hàng của mình dù không có kinh nghiệm. 

  • Sponsored Display: Là dạng quảng cáo hiển thị. Đây là một phương án quảng cáo mới giúp sản phẩm tiếp cận đối tượng khách hàng phù hợp trong suốt hành trình mua hàng, với các vị trí quảng cáo xuất hiện trong và ngoài Amazon.

Hy vọng với những hướng dẫn về cách bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu mà TPos vừa chia sẻ thì bạn đọc đã tích lũy thêm được kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử này để có thể áp dụng cho bản thân. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, thì hãy để lại bình luận bên dưới, TPos sẽ giải đáp miễn phí cho bạn. Chúc bạn thành công!

Chuyên mục: Blog , Chia sẻ
Đánh giá bài viết:

Bài viết liên quan

Tận hưởng trải nghiệm bán hàng không cần lo lắng

Miễn phí tạo tên miền cho khách hàng mới với tất cả các gói

Hỗ trợ tận nơi 24/7

Hoàn tiền 100% nếu khách hàng không hài lòng

Dùng thử